Các dạng tổn thương từ mối quan hệ với MẸ
- Health Coach Trang Phan
- 16 thg 5, 2023
- 6 phút đọc
Mối quan hệ giữa mẹ và con là một trong những mối quan hệ quan trọng và có ảnh hưởng nhất trong cuộc đời của một người.

Mẹ là người mang lại cho con tình yêu thương, sự hỗ trợ và chỉ dẫn cho con, nhưng cũng có lúc người mẹ có thể gây đau khổ và những tổn thương tinh thần cho chính đứa con của mình. Những vết thương này có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần và các mối quan hệ của người con đến suốt cuộc đời nếu như họ không nhận thức được những tổn thương này.
Trong bài viết này, mình sẽ giúp bạn khám phá một số dạng vết thương của mẹ phổ biến có thể xảy ra, và cách chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn như thế nào.
The Mother wound- Vết thương trong mối quan hệ với Mẹ là gì?
Mother wound là những vết thương tinh thần mà bạn trải qua do mối quan hệ với mẹ của bạn gây ra. Chúng có thể được gây ra bởi nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như mẹ bỏ bê không quan tâm bạn, mẹ lạm dụng tình cảm của bạn để đạt được những điều bà muốn nhưng luôn nói rằng bà làm như vậy vì bà yêu bạn, hoặc mẹ thao túng luôn áp đặt ý kiến của mình lên cuộc đời con, mẹ bạo hành tinh thần con, hoặc mẹ quá suy sụp tinh thần nên lấy con làm nơi giải toả những cảm xúc tiêu cực và năng lượng nặng nề của mình, mẹ thiên vị những đứa con giỏi giang, thành công hơn những đứa con không thành công vân... vân
Mother wound có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của chúng ta, ảnh hưởng đến khả năng sau này chúng ta lớn lên vào đời có thể tạo dựng mối quan hệ lành mạnh với người khác hay không (đặc biệt là với người yêu, hoặc chồng/vợ), ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ tinh thần và sự phát triển niềm tin vào giá trị của bản thân, phát triển sự tự tin, niềm tin ở chính mình của chúng ta.
Các tổn thương từ mối quan hệ với Mẹ
Mẹ không thể hiện cảm xúc yêu thương
Khi Mẹ không thể hiện rằng bà yêu thương đứa con, không nói những lời yêu thương, không thể hiện hành động quan tâm chăm sóc, hay nâng đỡ con khi con cần mẹ lúc nhỏ. Những điều này rất dễ khiến cho đứa con cảm thấy bị bỏ rơi, và cảm thấy mình không quan trọng.
Lớn lên với một người mẹ không thể hiện cảm xúc yêu thương là một trải nghiệm khó khăn và đau đớn bởi vì bất kỳ đứa trẻ nào cho dù mạnh mẽ và tự chủ độc lập đến đâu đi chăng nữa thì cũng luôn mong chờ sự công nhận và yêu thương của Mẹ.
Mẹ bỏ bê con
Bị bỏ bê có thể xảy ra ở nhiều hình thức khác nhau, từ việc không được cung cấp những nhu cầu cơ bản như thức ăn, nước uống, quần áo ấm để mặc, chỗ ở an toàn cho đến những nhu cầu về mặt cảm xúc và tinh thần không được đáp ứng. Ví dụ một em bé mẹ mất khi em còn quá bé và em không được nhận hơi ấm của mẹ, hoặc một em bé bị mẹ gởi lại em cho người khác nuôi và em không được mẹ chăm sóc.
Những em bé sinh ra trong những hoàn cảnh như vậy, khi lớn lên sẽ luôn đối mặt với cảm giác bị bỏ rơi và thiếu sự tin tưởng vào người khác. Họ có thể gặp khó khăn trong việc yêu cầu sự giúp đỡ từ người khác, hoặc rất sợ cảm giác phụ thuộc vào người khác. Nhưng bên cạnh đó họ lại cũng là những người cảm thấy thiếu thốn tình cảm cho nên rất dễ trở thành nạn nhân của của những mối quan hệ không lành mạnh, chẳng hạn như mối quan hệ giữa người Thấu Cảm và người Ái Kỷ.

Mẹ can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của con
Một người Mẹ can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của con cái có thể khiến cho con gặp khó khăn trong việc tự đưa ra quyết định và và tin vào quyết định của riêng bản thân mình. Mẹ có thể khiến cho con cảm thấy như mình là người thiếu năng lực, và không có khả năng làm chủ cuộc sống của bản thân, lúc nào cũng phải dựa vào cha mẹ để sống. Con sẽ cảm thấy mình là người yếu ớt và luôn sợ không làm thể làm theo đúng ý của Mẹ. Đứa con sau này lớn lên có thể sẽ cảm thấy tội lỗi mỗi khi muốn làm gì đó theo mong ước của bản thân nhưng lại trái với ý kiến của mẹ. Và đứa con cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc lập ra ranh giới lành mạnh về mặt tinh thần đối với mẹ của mình.
Mẹ hay chỉ trích con
Khi một người mẹ quá chỉ trích hoặc cầu toàn, bà có thể liên tục chỉ ra những điểm yếu và sai lầm của con. Điều này có thể dẫn đến cảm giác thiếu tự tin ở con.
Một đứa trẻ bị chỉ trích liên tục có thể nội hóa những thông điệp mà họ nhận được từ mẹ của mình, dẫn đến cảm giác tự ngờ vực bản thân và tự ti. Họ có thể sẽ gặp khó khăn trong việc hoàn thiện bản thân và rất khó khăn trong việc tin vào suy nghĩ của chính mình.
Ngoài ra một đứa trẻ khi sống với một người mẹ luôn chỉ trích thì lớn lên họ có thể cảm thấy rất khó khăn trong việc mở lời chia sẻ cảm xúc của mình với người khác. Họ luôn sợ bị chỉ trích hoặc bị đánh giá.

Mẹ không hạnh phúc với cuộc đời riêng của chính mình
Con cái lớn lên với người mẹ này sẽ có thể cảm thấy như chính mình là người phải chịu trách nhiệm về cảm xúc hoặc sức khỏe, hoặc tài chính, hoặc cuộc đời của mẹ. Những đứa con lớn lên với người mẹ này có thể sẽ luôn phải đặt nhu cầu của bản thân mình lại phía sau để đáp ứng những nhu cầu của người Mẹ. Họ có thể sẽ gặp khó khăn trong việc khẳng định giới hạn và tạo ra một mối quan hệ lành mạnh với người Mẹ.
Mẹ theo đuổi sự hoàn hảo
Một bà mẹ theo đuổi sự hoàn hảo thường là một người phụ nữ kiểm soát quá mức, sợ hãi và lo lắng về việc người khác nghĩ gì về mình, bà thường rất coi trọng hình thức bề ngoài. Các con của một người mẹ theo đuổi sự hoàn hảo sẽ có xu hướng thường xuyên tự phê bình và đay nghiến bản thân, cảm thấy thiếu tự tin và có thể thường xuyên đối mặt với thể loại cảm xúc chán chường, trống rỗng vì vết thương với mẹ nằm sâu bên trong chưa được nhìn thấy. Bạn luôn cảm thấy rằng ý kiến của người khác quan trọng hơn ý kiến của bản thân. Bạn cũng thường có cảm giác như cả thế giới đang quan sát và phán xét bạn.
Mẹ khó đoán
Mẹ khó đoán là một người mẹ luôn chìm trong những cảm xúc của mình như lo lắng, tức giận, hoặc cảm xúc thất thường không thể đoán được thì phong cách nuôi dạy con cũng phụ thuộc vào tâm trạng và cảm xúc lúc lên lúc xuống, có lúc thì rất ngọt ngào với con, nhưng có lúc thì la mắng và khó chịu con không lý do. Những đứa con sống với người mẹ này sẽ luôn trong cảm giác bất an, vì dường như có tới 2 con người khác nhau trong mẹ của mình. Và không biết khi nào thì con người đáng sợ kia sẽ trồi lên. Đứa trẻ sống với người mẹ này sẽ thường xuyên ở trong tình trạng căng thẳng, không an toàn, sẽ cố gắng làm hài lòng mẹ mọi thứ với hy vọng bà không trút giận bất ngờ lên mình. Nhưng bên trong đứa trẻ cũng sẽ bắt đầu có một sự giận dữ đang lớn dần lên.
Vết thương nào cũng có thể được chữa lành nếu như ta biết HIỂU và THƯƠNG đúng cách. Mỗi tổn thương chính là một cánh cửa để giúp cho chúng ta hiểu về bản thân mình nhiều hơn, và chịu quay trở về tìm lại chính mình. Vì vậy bạn đừng vội tập trung vào việc buồn giận mẹ bạn sau khi nhận ra những vết thương bạn có từ mẹ, mà hãy tập trung vào việc CHỮA LÀNH cho chính mình để từ đó bạn có thể giải phóng bản thân khỏi những vết thương của quá khứ và cũng có thể bắt đầu xây dựng một mối quan hệ lành mạnh hơn với Mẹ.
Hy vọng những gì mình chia sẻ hôm nay có ích cho bạn. Nếu bạn thích bài viết này xin đừng quên Like bài viết, thả tim, để Google có thể nhận diện và chia sẻ bài viết này đến cho nhiều người hơn.
Nếu bạn muốn mình gởi cho bạn những bài viết mới, và thông tin những sản phẩm mới từ mình thì hãy Đăng Ký (Subscribe) và để lại email của bạn trong phần Đăng ký bên dưới bạn nhé.
Cảm ơn bạn rất nhiều đã đến đây và cùng nhau mở rộng vòng năng lượng tỉnh thức của chúng ta.
Commentaires