4 Bước giúp bạn chữa lành Em Bé bên trong, chữa lành những tổn thương nội tâm
- Health Coach Trang Phan
- 20 thg 4, 2023
- 8 phút đọc
Đã cập nhật: 4 thg 5, 2023
Healing your inner child is like planting a seed of self-love that grows into a flourishing garden of emotional and psychological well-being.

Những tổn thương nội tâm của thời thơ ấu có thể ảnh hưởng lớn đến niềm tin, tính cách và khả năng hạnh phúc của chúng ta khi trưởng thành. Có những vết thương sâu có thể khiến người bị tổn thương trở nên đóng băng trong lo lắng, sợ hãi, căng thẳng kéo dài, chán chường và cảm giác trống rỗng, mất niềm tin vào giá trị của bản thân.
Nhưng tin tốt lành là những tổn thương nội tâm đó hoàn toàn có thể được chữa lành và sau khi được chữa lành chúng còn giúp bạn trở nên mạnh mẽ và vững chải hơn trong cuộc sống.
Sau đây là bốn bước đã giúp mình kết nối lại với em bé bên trong và giúp em được chữa lành một cách lành mạnh.
Bước 1: Chấp nhận là mình có tổn thương và bắt đầu tìm hiểu về tổn thương
Đây là bước đầu tiên nhưng cũng là bước khó nhất trong bốn bước bởi vì nó đòi hỏi chúng ta cần phải gạt bỏ cái tôi bản ngã và chấp nhận rằng bản thân mình có tổn thương, điều mà không nhiều người muốn làm.
Mình gặp khá là nhiều trường hợp thân chủ khi trò chuyện trong những buổi đầu tiên họ tỏ ra rất nhiều thái độ kháng cự. Họ nói rằng không muốn nhắc lại những chuyện đã cũ và cũng không nghĩ chuyện cũ có tác động gì đến cuộc sống hiện tại của họ bây giờ. Họ tin rằng họ có thể kiểm soát được cuộc sống và tự chủ được bản thân bởi vì hàng ngày họ nghe pháp thoại, viết lời biết ơn, giữ tâm trí tích cực.
Nhưng sau đó họ đã tự nhận ra được rằng không thành thật với chính bản thân là điều tệ hại nhất mà họ đã trải phải trải qua. Cái gì bị dồn nén quá lâu ở bên trong thì cũng có lúc sẽ bị nổ tung, khi bị nổ nó sẽ còn dữ dội hơn gấp nhiều lần so với những người bình thường. Và những người phải gánh chịu những vụ nổ đó lại lại chính là những người mà họ yêu quý nhất, chính là cha mẹ, chồng vợ và những đứa con thân yêu của họ.
Họ là những người tốt tính với người ngoài nhưng khi về đến nhà thì họ không thể kiên nhẫn với con và với vợ hoặc chồng của mình, thường xuyên la rầy con bởi vì con trẻ là những đối tượng ít có khả năng kháng cự cho nên tất cả những sự không hài lòng của họ về cuộc sống sẽ dễ dàng hiện nguyên hình. Còn với những bạn trẻ chưa có con cái thì cảm giác trống rỗng, căng thẳng, dễ dàng muốn bỏ cuộc là những cảm xúc thường trực.
Khi chúng ta biết chấp nhận rằng mình có tổn thương thì cũng chính là lúc ta cho phép bản thân mình được chữa trị và lành bệnh. Đừng cố gắng tích cực một cách độc hại bạn nhé. Nếu chúng ta không ngừng lại việc gồng lên để che dấu những điểm yếu và chấp nhận rằng mình là người có tổn thương thì chúng ta cũng đã cắt đi luôn cái cơ hội được chữa lành. Ta sẽ tự chặn luôn cơ hội để hiểu và thương về chính bản thân mình.
Sức khoẻ tinh thần vẫn còn là một chủ đề khá lạ lẫm đối với người Việt Nam, mỗi khi mình gặp người Việt mà nhắc hai chữ "mental health" là họ sẽ nhăn mặt ngay bởi vì hầu hết mọi người chỉ liên tưởng đến hình ảnh những người bị điên, bị tâm thần mới là có vấn đề về mental health. Còn ở những nước tiên tiến thì mental health luôn được người dân ý thức cao hơn vì nó được công nhận phổ biến và được giáo dục rộng rãi trong trường học từ rất sớm. Người dân ở những nước phương Tây hầu hết đều biết rằng cũng giống như những đau ốm ở thân thể, khi họ có vấn đề về tinh thần họ cần được thăm khám và chạy chữa. Chính vì vậy mà những đóng góp khoa học trong ngành tâm lý đều là thành tựu ở trời Tây chứ bên châu Á còn khá là ít. Mình rất hy vọng sức khoẻ tinh thần sẽ được quan tâm xứng đáng trong tương lại không xa tại Việt Nam.
Bước 2: Kết nối lại với em bé bên trong của chính mình
Điều mà em bé bên trong của bạn cần nhất đó chính là sự lắng nghe và quan tâm chân thành của bạn. Em cần nhất là một người lớn đủ bao dung, đủ hiểu biết và có thể dành tình thương cho em, ngồi xuống với em, nghe em nói, nghe em giãi bày, nghe em khóc và nghe em giải thích về những cảm xúc mà em có hoặc những hành động mà em đã làm.
Bởi vì có những trường hợp những em bé cảm thấy bị tổn thương là vì những hành động của người khác làm cho em, nhưng cũng có những em bé bị tổn thương lại chính vì hành động sai của em cho một người nào đó khác. Mình tin rằng tất cả đều cần được lắng nghe, được thấu hiểu trong tình yêu thương chân thành của một người hiểu biết.
Lắng nghe trong sự hiểu biết là lắng nghe sâu và không đặt những phán xét cá nhân, những tư tưởng hay đánh gía hạn hẹp của cá nhân mình vào những gì mình nghe thấy được từ em. Hãy lắng nghe để nhìn thấy nỗi đau của em, nhìn thấy trái tim yếu ớt của em và cảm thấy thương em thật nhiều.
Mình lấy một ví dụ nhé. Có một thân chủ đã kể với mình rằng chị ấy từng ghét người em trai của chị ấy rất nhiều vì ba mẹ chị chiều chuộng em trai và từ ngày có em trai thì không quan tâm đến chị nữa. Có lần chị đã muốn em chị biến mất và cho dù đó chỉ là trong suy nghĩ nhưng sau này chị cứ tự dằn vặt mãi và ghét chính bản thân mình về điều đó. Chị cho rằng mình là một tâm hồn xấu, cho nên chị rất tự ti về bản thân.
Khi mình giúp chị lắng nghe sâu hơn em bé bên trong của chị thì chị đã nhìn thấy hình ảnh một em bé gái đứng một mình trong góc cửa buồn bã nhìn cha mẹ mình hết lòng chiều chuộng em trai, còn em bé gái (chính là chị lúc 6 tuổi) thì không được nhận tình thương đó từ cha mẹ của mình và em đã rất buồn và tủi thân, em bắt đầu tin rằng cha mẹ không còn thương mình nữa.
Đây chỉ là một ví dụ mình đưa ra cho mọi người dễ hình dung. Mỗi em bé sẽ có những cách hành xử khác nhau theo tư duy của em lúc đó, và đóng băng luôn lăng kính đó về cuộc đời trong tâm thức của mình.

Bước 3: Cho em những gì em cần, nhưng em đã không có được trong quá khứ
Những điều cơ bản một đứa trẻ cần vô cùng đơn giản đó là tình yêu thương chân thành, sự an toàn, sự bảo vệ, sự ấm áp, niềm tin, sự bao dung, và một sự nâng đỡ tích cực giúp em trưởng thành, tìm lại niềm tin vào chính mình và tìm lại niềm tin vào cuộc sống.
Bây giờ đây ai sẽ là người cho em bé bên trong của bạn những điều này?
Người đó là CHÍNH BẠN chứ không phải ai khác.
Mỗi chúng ta đều phải là người chịu trách nhiệm cho em bé bên trong của chính mình. Vì vậy chúng ta cần phải học cách kết nối và giao tiếp lại với những em bé bên trong. Công nhận những cảm xúc của em, yêu thương em và giúp em nhìn thấy bức tranh toàn cảnh, giúp em nhìn lại đúng đắn về cuộc đời. Xin đừng nhảy bước và ép buộc em phải thay đổi mindset, thay đổi thái độ sống, em sẽ không làm được đâu bạn ạ. Bạn nghĩ sao khi bắt một đứa trẻ 5 tuổi, 6 tuổi, 7 tuổi nghe về những lí thuyết cao siêu, những bài học về giá trị cuộc sống, em không hiểu được đâu bạn ạ. Chúng mình cần kiên nhẫn và giao tiếp với em bằng ngôn ngữ của trẻ em, bằng những hành động thiết thực.
Bước 4: Hãy trở thành người cha, người mẹ tốt của em.
Rất nhiều người sợ chữa lành vì họ từng đi sai phương pháp và trở nên quá lẹm vào tiêu cực, vào những giận dỗi, ghen tị, chán nản, trách hờn của em bé bên trong của mình. Ta yêu thương ai đó không có nghĩa là ta phải đồng ý với họ ngay cả khi họ sai.
Em bé bên trong của chúng ta bị tổn thương một phần cũng là vì tư duy của em tại thời điểm bị tổn thương là tư duy của một đứa trẻ, em nhìn cuộc đời bằng con mắt ngây thơ và trong sáng nhưng chưa có sự hiểu biết của một người trưởng thành. Do đó có những sự việc em chỉ nhìn được một phần nhỏ của sự thật và sau đó luôn tin rằng đó là toàn bộ sự thật.
Ví dụ em thấy cha mẹ không dành thời gian cho mình, mà chỉ chăm lo làm việc, tối ngày tất bật kiếm tiền mà chẳng ngó ngàn đến em, và em cảm thấy không được yêu thương, thấy mình bị bỏ rơi. Hoặc một em bé sinh ra trong gia đình cha mẹ li hôn, và mẹ đi sống ở nơi khác, em nghĩ rằng mình không được mẹ thương, mình không có giá trị, hoặc mình là nguyên nhân để mẹ bỏ đi.
Nhưng sự thật là người lớn cũng đâu có dễ dàng trong cuộc sống, khi ta đã làm cha làm mẹ rồi thì mới biết sự khó nhọc trong việc phải cân bằng lo cơm áo gạo tiền, trách nhiệm gia đình và con cái, nhiều khi ta còn chẳng có thời gian chăm lo cho bản thân mình.
Ngoài trừ những trường hợp là cha mẹ ái kỷ, cha mẹ thao túng, còn lại nhìn chung mình thấy so với người phương Tây thì Cha mẹ Á Châu nói chung và cha mẹ Việt nói riêng thương và chăm lo cho con, hy sinh cho con cháu rất nhiều. Nhưng họ lại không biết cách thể hiện bằng lời nói, họ vẫn còn nghĩ theo tư tưởng cũ là :"thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Nên rất hiếm khi nói những lời yêu thương và khen ngợi động viên con.
Họ làm lụng suốt ngày để dành dụm tiền cũng là để lo cho con cái và cất giữ của cải cho con cái sau này có tiền mua nhà, xây dựng gia đình, nhưng họ thường cứ im lặng mà làm chứ không chia sẻ công việc, cũng không giải thích cho con cho nên những đứa con thường không hiểu được cha mẹ và cảm thấy bị thiếu thốn tình cảm.
Rồi cộng thêm không có kiến thức về nuôi dạy con và chưa kể người lớn cũng là những đứa trẻ bị tổn thương cần lắm được chữa lành nhưng đâu có biết.
Cho nên bây giờ nếu chúng ta quay lại để than trách cha mẹ mình đã làm tổn thương mình, đã không cho mình đủ tình thương, sự an toàn, sự quan tâm thì nó cũng không hợp tình, hợp lý, mà cũng chẳng phải đạo làm con.
Vì vậy chính bản thân chúng ta cần phải trở thành những người cha, người mẹ tốt của những em bé bên trong của bản thân mình.
Nhưng để trở thành người cha, người mẹ tốt của em thì sẽ là một quá trình học tập và rèn luyện suốt đời, và đôi khi chúng ta cũng cần chấp nhận là mình đang học và mình không hoàn hảo hãy cho em biết về điều đó.
Khi yêu thương chân thành người ta sẽ kiên nhẫn và không đòi hỏi sự hoàn hảo.
Hy vọng những gì mình chia sẻ hôm nay có ích cho bạn. Nếu bạn thích bài viết này xin đừng quên Like và chia sẻ nó đến cho nhiều người hơn. Cảm ơn bạn rất nhiều đã đến đây và cùng mở rộng vòng năng lượng tỉnh thức của chúng ta.
Kommentit